Một vài điều kiêng kị mà du khách cần lưu ý khi đi lễ chùa

1 bầu chọn / điểm trung bình: 5
Với nhiều năm kinh nghiệm chạy xe du lịch đưa du khách thập phương đi lễ chùa, VIP Sedan tổng hợp được một số điều kiêng kị mà du khách cần chú ý để tránh phạm phải khi đi lễ chùa nói chung.

Trang phục thiếu trang trọng

Chùa là chốn linh thiêng, trang nghiêm và thanh tịnh. Mọi tăng, ni, phật tử và khách du lịch đến hành hương, vãn cảnh đều cần chú ý mặc trang phục đoan trang, nghiêm chỉnh và kín đáo. Không riêng chùa, khi đến đền, miếu, nhà thờ, bạn tuyệt đối không ăn mặc "thiếu vải" như mặc váy ngắn, quần ngắn, áo hai dây, trang phục hở hang, phản cảm.

Ngoài ra, chúng ta nên chọn trang phục có màu trung tính như xám, trắng, nâu, đen, xanh,... và tránh các màu quá rực rỡ, họa tiết rườm rà hoặc chứa những nội dung không phù hợp với cửa Phật.. 

Tùy tiện đi vào cửa lớn cổng tam quan

Hầu hết các ngôi chùa đều có cổng tam quan (cổng có 3 cửa/ lối đi), chỉ mở cửa chính vào những ngày lễ lớn, còn ngày thường chỉ mở 2 cửa nhỏ ở bên hông. Theo quan niệm của nhà Phật, cửa lớn (cửa chính giữa) chỉ dành cho các bậc cao tăng và vua chúa để tỏ lòng kính trọng, do đó chỉ mở vào những dịp lễ lớn để cung nghênh, tiếp đón. Tuy nhiên một số người đi lễ chùa lại tùy tiện ra vào cửa lớn nên phạm vào tội bất kính. 

Do đó, khi đi lễ chùa, bạn chỉ nên ra vào ở 2 cửa nhỏ, đồng thời không được dẫm lên bậu cửa mà phải bước qua bậu cửa. Trong đó, cửa bên tay phải (hướng chúng ta vào chùa) và cửa bên tay trái (hướng chúng ta vào chùa) dành cho Phật tử, khách hàng hương đi lại: vào cửa bên phải và ra cửa bên trái. Cửa bên phải thường khắc chữ Thanh Long và cửa bên trái thường khắc chữ Bạch Hổ, khi ra vào các cửa này được gọi là "nhập long, xuất hổ", ngụ ý rước phúc đức về nhà.

Tự ý bẻ cành hoặc mang đồ ở chùa về nhà

Các món Pháp bảo, vật dụng trên chùa đa phần do bách tính phát tâm cúng dường với mong muốn tạo lợi lạc cho chúng sinh. Tự ý lấy đồ từ chùa mang về làm của riêng tương đương với việc ăn cắp của cải của bách tính nên tội lỗi càng nặng hơn, mang nghiệp vào thân và cho gia đình. Do đó, trước khi sử dụng bất kỳ món đồ gì trên chùa, bạn hãy xin phép nhà chùa trước nhé. 

Ngoài ra, bạn cũng không nên bẻ cành hái hoa của nhà chùa, bởi theo các khách hành hương từng đi bái lạy nhiều nơi trên chiếc xe du lịch của chúng tôi, chùa là địa điểm tâm linh, cưu mang nhiều vong linh lưu lạc trên trần gian, các vong linh này có thể bám vào cành lá, hoa cỏ trong chùa. Nếu bạn tự ý ngắt lá bẻ cành về thờ, có thể sẽ "rước" theo cả những vong linh này vào nhà, họ có thể gây nhũng nhiễu hương khói tổ tiên nhà bạn.

Nói chuyện ồn ào, đùa giỡn

Chùa là nơi thanh tịnh, nơi tu tập của các cao tăng, phật tử. Do đó, chúng ta hãy giữ im lặng, không đùa giỡn, nói chuyện thị phi trong chùa, mà hãy tập trung làm công quả, tu tập, giữ cho tâm hồn bình lặng để suy xét lại bản thân, sám hối tội lỗi đã phạm phải, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền,... Nếu dắt theo trẻ con, du khách phải trông chừng trẻ cẩn thận và dặn trẻ không được gây ồn ào, đùa giỡn quá đà.

Đặt tiền công đức lên tượng Phật, chạm, sờ vào tượng Phật

Trong chùa luôn có hòm công đức được đặt ở vị trí rõ ràng và dễ nhìn để Phật tử, bách tính công đức, quyên góp tiền nhang đèn, tu sửa chùa nếu muốn. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng vô cùng phản cảm và làm ô uế cửa Phật. Đó là một số khách hành hương thiếu ý thức đã rải tiền bừa bãi quanh tượng Phật hoặc gài tiền vào tay, vạt áo hoặc bất kỳ chỗ nào của bức tượng.

Không những thế, một số người còn có quan niệm sai lầm rằng sờ mó, xoa tiền hay chạm vao tượng Phật sẽ nhận được nhiều lộc. Theo chia sẻ từ các nhóm du khách từng thuê xe riêng Đà Nẵng đi chùa Linh Ứng, lắng nghe nhà chùa giảng giải, thì họ hiểu được hành động sờ mó, xoa tiền lên tượng Phật là hành vi bất kính, làm nhiễu loạn không khí thanh tịnh, liên thiêng nơi cửa Phật.

Cư xử bất kính với Tăng, Ni

Chư Tăng, Ni là những người đại diện cho Đức Phật giáo hóa chúng sinh. Vậy nên khi đến chùa lễ Phật, chúng ta nên có thái độ cung kính, tôn trọng với họ. Lưu ý, khi tiếp xúc với chư tăng, ni, chúng ta thường gọi bằng thầy hay cô nếu như không biết rõ phẩm trật của vị Tăng Ni và thường xưng là con.

Không dùng miệng thổi tắt hương, nến

Trong kinh Thắng Trận - Quán Thân Bất Tịnh, Đức Phật dạy rằng miệng là một trong những bộ phận trên cơ thể chảy ra những đồ bất tịnh, nghĩa là miệng của con người vốn không được thanh tịnh, sạch sẽ. Nếu dùng miệng thổi nến, thổi hương hoặc thổi bụi bám trên tượng Phật, bụi trên ban thờ thì sẽ bị xem là hành động không cung kính đối với chư Phật, các bậc Thánh hoặc với gia tiên khi cúng lễ. 

Cách tắt nến, tắt hương đúng đó là chúng ta dùng tay phẩy nhẹ hoặc cầm hương phẩy nhẹ để hương tắt. Ngoài ra, chúng ta còn có thể tắt nến bằng cách dùng que tăm hoặc vật gì đó gạt ngọn nến xuống cho lửa tắt đi. Đối với bụi bám trên tượng Phật, trên ban thời, ta dùng khăn, vải, giấy sạch để lau.

Không đỗ xe bừa bãi trong chùa hoặc trước cổng chùa

Khi đến chùa, chúng ta không được đỗ xe bừa bãi trong chùa hoặc đỗ xe trước cổng chùa vì sẽ làm cản trở giao thông, rối loạn trật tự. Đối với những ai lái xe, bạn nên tìm hiểu trước vị trí của nơi trông giữ xe của nhà chùa nếu có hoặc dịch vụ trông xe bên ngoài. Để không chậm trễ hành trình dâng hương lễ Phật, bạn có thể cân nhắc đi xe buýt hoặc thuê xe du lịch, xe tiện chuyến, xe liên tỉnh có tài xế riêng như thuê xe riêng Sài Gòn, xe riêng Đà Nẵng,... Như vậy, bạn sẽ được thư giãn, nghỉ ngơi trên xe và không phải lo lắng việc gửi xe khi đến nơi.

Trên đây là một số kiêng kỵ mà người đi chùa dễ mắc phải. Hy vọng qua các chia sẻ trong bài, quý Phật tử sẽ có được tri kiến đúng đắn về những điều nên và không nên khi đi lễ chùa, từ mang lại lợi ích cho chính mình, tránh rước họa vào thân.

Zalo Facebook
Liên hệ